Trong nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghị định này.
Mâu thuẫn
Nghị định 40 được Chính phủ ban hành ngày 13/5/2019, sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định quy định các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa ban hành kèm nghị định này phải có công trình phòng ngừa ứng phó sự cố.
Trong đó, chủ dự án căn cứ vào đặc điểm, tải lượng của dòng thải có thể lựa chọn một số phương án. Mặc dù nói “có thể lựa chọn”, song với các điểm quy định chi tiết, Bộ TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp có lượng xả thải chỉ từ 50m3 trở lên phải có bể sự cố, hồ sự cố; thậm chí có doanh nghiệp phải xây hồ sự cố kết hợp với hồ sinh học với khả năng lưu chứa trong 3 ngày.
Nói về quy định này, TS Tô Văn Trường, chuyên gia về môi trường cho rằng “Điều này trước tiên gây tốn kém về quỹ đất cho doanh nghiệp, rất không ổn trong điều kiện Việt Nam eo hẹp về quỹ đất. Gây tốn kém thêm nhiều cho doanh nghiệp phải tăng chi phí xây dựng và vận hành hồ. Không những thế yêu cầu xây hồ còn gây ra rất nhiều hệ lụy pháp lý và kỹ thuật. Vì thế, nhiều doanh nghiệp bế tắc, không thể triển khai dự án được”.
TS Trường còn chỉ ra rằng, hồ sinh học có thể khiến nước thải sau khi xử lý bị tái ô nhiễm, do hồ nông, rêu tảo dễ phát triển, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu lý hóa của nước thải, khiến cho nhiều nhà máy/dự án chạy đua các giải pháp như (lặp hệ thống ozon để diệt tảo, lắp máy diệt tảo (máy này có đơn vị độc quyền cung cấp), vì thế, doanh nghiệp thêm tốn kém và phiền phức.
Giải đáp về vấn đề này, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, xây hồ chỉ là giải pháp khuyến khích chứ không bắt buộc. Đồng thời các quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 cũng yêu cầu doanh nghiệp phải phòng ngừa, ứng phó sự cố.
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, chuyên gia về môi trường, mặc dù ở phần thông tin chung quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường có nêu “Có thể lựa chọn” song ở các khoản a), b), c) của nghị định này ghi rõ “Trường hợp …. phải có …”.
Quy định này mập mờ khiến cơ quan quản lý có thể lợi dụng để ép doanh nghiệp phải xây bể, hồ sự cố. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải làm theo quy định này, đặc biệt tốn kém. Hơn nữa, dù ghi là “có thể” song trong Nghị định 40 cũng chỉ nêu ra một giải pháp duy nhất là phải xây bể/hồ sự cố chứ không nhắc đến giải pháp nào khác. Đại diện Tổng cục Môi trường cũng cho biết, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp xây bể sự cố/hồ sự cố.
TS Tùng cũng cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường không có điều nào quy định doanh nghiệp buộc phải xây dựng công trình phòng ngừa ứng phó sự cố. Trên thực tế, để phòng ngừa sự cố môi trường, người ta có thể dùng các biện pháp công trình và phi công trình, không nhất thiết phải dùng bể/hồ điều hòa hay hồ sinh học. Hiện nay, thế giới cũng như trong nước có nhiều phương án công nghệ phòng ngừa sự cố nước thải ngay trong từng công đoạn chứ không chờ đến đầu cuối như vậy. “Bể sự cố hay hồ sự cố kết hợp hồ sinh học là giải pháp tốn kém nhất nhưng ít thông minh nhất”, ông Tùng nói.
Yêu cầu tháo gỡ khó khăn do Nghị định 40 gây ra
Các chuyên gia cho rằng, Bộ TN&MT phải sớm sửa đổi các quy định rất bất cập này khi dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi dự kiến được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội vào cuối năm nay.
Nguồn: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/bo-tnmt-soan-chinh-sach-nhieu-san-map-mo-ep-doanh-nghiep-1724203.tpo